Góc nhìn của người cao tuổi:
Đạo làm người khuyên phải biết “điểm dừng”
Mọi người chúng ta: Dù là quan chức hay lao động phổ thông. Ai cũng phải đến lúc tuổi già, phải nghỉ việc để được nghỉ ngơi, an dưỡng trong những năm tháng cuối của cuộc đời.
Chính lúc này ta mới có điều kiện và thời gian để tự nhìn lại chính mình trong những năm tháng đã qua.
Ở đời ai cũng có mong muốn: muốn dồi dào sức khỏe, muốn có thế quyền để đảm đương trọng trách, muốn giàu sang phú quý, muốn học vấn cao, muốn gia đình yên ấm hạnh phúc, muốn nổi tiếng, muốn nhục dục … Tất cả những mong muốn đó đều rất chính đáng, rất tốt đẹp nếu không vượt quá giới hạn đạo lí biến thành tham vọng. Dù tư hữu, ích kỉ là bản năng bẩm sinh: Đẻ ra đã giành vú mẹ, miệng ngậm một, tay giữ một. Lớn lên tranh ăn, chọn phần to, phần nhiều, không ăn cũng không chịu nhường cho ai. Trưởng thành thì tranh công, giành quyền, thu vén tư lợi. Tuy nhiên, vẫn phải biết đâu là “giới hạn”. Cái giới hạn ấy chính là “điểm dừng”. Trong mỗi con người đều có đức tài và mong muốn. Đem đức tài trừ đi mong muốn nếu kết quả “dương” có nghĩa mong muốn trong “giới hạn” . Nếu kết quả “âm” có nghĩa mong muốn quá “giới hạn” đã biến thành “tham vọng”. Loại người này cần xem xét thận trọng. Bởi đức tài nhỏ tham vọng lớn, thì phần “âm” ấy anh ta sẽ bù lấp bằng thủ đoạn tiểu nhân, kể cả tội ác để đạt mục đích.
Khi có một ưu thế nào đấy người ta thường quá tự tin thích phô trương mà không lường kết cục … Đang ở thế thượng phong phải nghĩ ngay tới lúc hạ mạt, khi dang giàu phải nghĩ lúc mình sẽ nghèo, khi dang thịnh phải nghĩ tới lúc sẽ suy, khi đang chói lọi hào quang phải nghĩ tới lúc thất thế, khi dang xinh đẹp phải nghĩ tới lúc mình già nua xấu xí …
Cho nên biết “điểm dừng” là rất quan trọng. Nói gì làm gì cũng phải tính đến giới hạn và chọn đúng “điểm dừng”.
Ở đời nếu đã biết leo cao thì cũng phải giỏi tìm đường xuống thấp nếu không thì “leo càng cao, ngã càng đau”. Không phải cứ tham cái gì là được cái ấy. Thực tế có người chẳng mong cái gì thì lại được tất cả. Trong khi có kẻ muốn tất cả thì lại chằng được cái gì. Ca dao có câu:
“Số giàu mang đến dửng dưng
Lọ là con mắt tráo trưng mới giàu”
Học thuyết “Vô vi” của Lão Tử chủ trương “Cái gì đến khắc đến, cái gì không đến khắc không đến, cái gì đi nhất định sẽ đi” “Vô vi” là không bị tham vọng và mong muốn chi phối. Người tính không bằng trời tính, trời cho ta tất cả, rồi trời lại lấy đi tất cả nếu sống không hợp ý trời.
Quyền lực và tiền bạc có sức quyến rũ đầy ma quái, đồng thời cũng là cạm bẫy vô cùng nguy hiểm. Không tỉnh táo khôn ngoan, không biết “giới hạn” cần phải dừng thì hậu họa sẽ khôn lường.
Người hiểu mình, hiểu đời phải biết cái gì mình làm được, cái gì không. Khi nào nên làm khi nào nên nghỉ. Lúc nào đời cần mình lúc nào không mà rút lui đúng lúc. Có người không biết rút lui đúng lúc mà mạt vận. Đã rút lui là thôi là nghỉ.
Lịch sử chứng minh, ai đã rời khỏi vũ đài còn cố tham gia đại sự đều là vật cản.
Đáng buồn thay có những người bệnh “nghiện quyền lực” đã ăn sâu vào tiềm thức tạo thành nếp sống khó sửa. Khi còn chức lúc nào cũng tỏ ra đầy quyền uy, oai phong bệ vệ. Khi hết quyền bỗng như quả bóng xẹp hơi, thấy thiếu tự tin nhỏ bé đi, thấp hèn đi, có khi đi đứng nói năng rất gượng gạo … Họ không biết rằng, khi hết chức hết quyền mình mới sống thật hơn, mới nhìn rõ mình hơn và nhìn rõ người khác hơn. Mới nhận ra rằng cái chức lâu nay mình giữ chẳng qua cũng chỉ là một bàn thắng trên sàn đấu giá mà thôi. Bởi thế rất cần tận dụng sự nghỉ ngơi để suy ngẫm. Nhưng không, về hưu rồi vẫn thích tỏ ra mình là người quan trọng. Không thể sống không có chức tước, vẫn muốn đi họp được ngồi ghế trên, được giới thiệu, được mời phát biểu và được mọi người vỗ tay bốp bốp. Về hưu rồi vẫn cứ bấu víu một chức việc gì đấy, một chút danh nào đấy dù là danh hờ, danh hão cũng được, dù quyền rơm vạ đá cũng được. Trong khi lớp trẻ từng ngày, từng giờ muốn đổi mới tư duy, đổi mới cách nghĩ cách làm – muốn khẳng định mình nhưng không được, bởi không có điều kiện, không có thực quyền. Vì thế họ thiết tha mong các bác các cô các chú về hưu rồi thì xin “các cụ” cứ nghỉ ngơi đừng có tham lam ngáng chỗ nữa cho chúng cháu nhờ - Nhưng khốn lỗi “các cụ” kiên trì quá, không chịu cứ bám !
Thế mới biết nhận ra được “điểm dừng” quả không phải là điều dễ.
N.V.H
(Dựa theo tác phẩm: Luận về lẽ sống và đạo lí làm người của tác giả Đắc Trung)