GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM CHÙA PHÚC LÂM
LỊCH SỬ
Chùa Phúc Lâm - thôn Cao Xá
Kính bạch chư tôn đức
Kính các vị đại biểu
Thưa toàn thể nhân dân Phật tử.
Trong không khí vui mừng lễ động thổ chùa Phúc Lâm, tôi xin được thay mặt Ban tổ chức thông qua sơ lược lịch sử chùa Phúc Lâm. Lời đầu tiên, tôi xin kính chúc chư tôn đức Tăng Ni, quý vị đại biểu và toàn thể đạo tràng lời chúc sức khỏe an lạc.
Kính bạch chư tôn đức
Kính các vị đại biểu
Thưa toàn thể nhân dân Phật tử.
Chùa Phúc Lâm, còn gọi là chùa Thiện, tọa lạc tại thôn Cao Xá, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Thành Phố Hà Nội. Không ai biết ngôi chùa được xây dựng lúc nào, nhưng từ khi làng Cao Xá ra đời, thì ngôi chùa Thiện vẫn hiện hữu uy linh trên mảnh đất ấy.
Kính thưa các vị đại biểu.
Cao Xá, xưa kia có tên gọi là Quách Xá, xã Cao Xá, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam. Theo truyền thuyết, cũng như những di tích còn để lại, khoảng vào thế kỷ thứ 10, một số dân cư ở thập phương di cư về phía Nam sinh sống. Khi suôi dòng sông, đến Làng Cao Xá, họ thấy một gò đất trải dài bên tả dòng sông Nhuệ Cũ. Cảnh quan lại thanh bình, đất đai trù phú, thuận tiện sông nước, phù hợp với đời sống kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước và đánh bắt cá, nên họ đã dựng lán, dựng nhà trên mảnh đất này để sinh nhai, đồng thời đặt tên cho vùng đất mới là "Quách Xá"
Lúc đầu, làng Quách Xá cũng bao gồm hai xóm, xóm trên và xóm dưới. Từ bến Vét xuống đến chùa Thiện gọi là xóm trên. Từ chùa Thiện xuôi 500 m đến cây Tranh được gọi là xóm dưới. Tuy nhiên, do đặc thù kinh tế, đến thế kỷ 14, người dân Quách Xá di chuyển xuống vùng đồng trũng, sinh nhai trên hai gò đất nổi, đổi tên mới là làng Cao Xá. Cho đến sau những năm 1945, xã Cao Xá không còn, cùng với nhiều thôn khác gộp lại thành xã Dũng Tiến. Tuy nhiên, thôn Cao Xá thì vẫn còn giữ được tên cho đến tận bây giờ.
Kính thưa các vị đại biểu.
Thưa toàn thể đạo tràng.
Không ngẫu nhiên, người dân di cư sinh sống lại chọn vùng đất Quách Xá lập làng khai hoang. Sở di họ chọn vùng đất này là vì trên mạnh đất ấy không biết từ khi nào đã hiện hữu một ngôi cổ tự mà dân gian thường gọi là Chùa Thiện. Dựa vào văn bia chùa Thiện - Phúc Lâm tự, được dựng ngày 6 tháng 10 năm kỷ dậu 1732, cùng các bia ký khác, cũng như gia phả của dòng họ Nguyễn có ghi lại: Chùa Thiện mặc dù đã có từ lâu trong quá khứ, nhưng vị thiền sư trụ trì chùa đầu tiên là Thiền sư Như Đoan. Thiền Sư Như Đoan có họ Nguyễn, tên Đình Vinh, tự Như Thận, sinh năm Nhâm Ngọ - 1402 tại làng Quách Xá, tổng Đông Cứu, huyện Thượng Phúc, tỉnh Hà Đông. Ngài sinh ra trong một gia đình Nho học gia giáo, nên được học hành tử tế, lại đỗ đạt làm quan. Khi chưa xuất gia, Thiền sư đã từng giữ các chức vụ sau; Năm Canh Tuất - 1430, Ngài làm xã trưởng; Năm Bính Tuất - 1436 làm Tổng trưởng 15 năm. Cũng trong những năm này, Ngài có tham cứu, học hỏi các giáo lý nhà Phật, nên cũng phần nào hiểu được sự an vui trong cảnh thiền môn và hiểu ra một phần sự thật các giá trị cuộc đời. Đến năm Canh Thân 1440, Ngài đi lính phụ trách huấn luyện hương binh. Từ đó Ngài lần lượt trải qua các chức vụ: Điện Tiền Chỉ Huy Sứ (năm 1443); Chỉ huy cấm vệ quân (1446).
Trong thời điểm này, triều đình nhà Lê nhũng loạn, nội bộ triều đình chia rẽ bè phái, hãm hại lẫn nhau. Đỉnh điểm là vụ án Lệ Chi Viên với cái án oan thiên sử của người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi năm 1442, đã làm cho triều chính trở lên hết sức rối loạn, lòng người hoang mang. Hiểu ra thế sự vô thường, bất lực trước những thế lực suy đồi của triều chính, lại tích lũy trong mình được những giáo lý Phật giáo, nên cụ Nguyễn Đình Vinh đã rời bỏ quan trường, xuống tóc xuất gia, đầu Phật với tâm nguyện: Nương nơi cửa Phật tu hành, mong thành đạo quả để phổ độ cho hết thảy muôn loài chúng sinh. Ngài được thụ giới Tỷ khiêu năm 1471. Sau khi thụ giới Tỷ Khiêu, thiền sư Như Đoan đã về trụ trì chùa Thiện - Phúc Lâm Tự tại làng Quách Xá tổng Đông Cứu. Sau hơn 30 năm xuất gia tu đạo, hoằng truyền Phật pháp, Ngài viên tịch vào ngày 29/2/1483.
Thiền sư Như Đoan, khi chưa xuất gia, còn làm quan cho triều nhà Lê, Ngài sinh được năm người con, thì có tới bốn người xuất gia đầu Phật. Bản thân người vợ của Ngài cũng xuất gia tu Phật. Trong đó, người con cả Nguyễn Đình Phú, sinh ngày 4/7/ năm Mậu Tý - 1467 xuất gia, đồng chân nhập đạo từ khi tuổi còn ấu thơ tại chùa Kỳ Viên có pháp danh là Tính Tịch Phúc Tuệ Thiền Sư. Năm 1492 Thiền sư Phúc Tuệ thụ giới Tỷ khiêu, được vua ban ruộng quan điền năm khoảnh. Sau đó Thiền sư Phúc Tuệ đến tham học với các tổ chùa Tây phương trong tám năm. Rồi Ngài lại trở về trụ trì chùa Phúc Lâm - Quách Xá. Đến khi làng Quách Xá chuyển về vùng đồng trũng đổi tên thành làng Cao Xá, thiền sư Phúc Điền đã dựng thêm ngôi chùa mới ở vùng đồng trũng đặt tên là chùa Thích Ca, đồng thời "cải gia vi tự" - biến nhà thành chùa, Thiền sư xây dựng ngôi chùa ngay trên nền nhà cũ của mình, đặt tên là chùa Đẳng Giác.
Kể từ đó, cho đến nay, do những nguyên nhân chủ quan và khách quan, chùa Phúc Lâm không có người trụ trì trông nom. Cũng là một nhân duyên với làng Cao Xá, ngày 26/3/2014, nhân dân Cao Xá đã cung thỉnh được đại đức Thích Chánh Thuần về trụ trì chùa Phúc Lâm. Sau khi về trụ trì chùa Phúc Lâm, đại đức đã và đang từng bước quy hoạch chùa Phúc Lâm, giúp đỡ nhân dân tu Phật, học Phật theo đúng chính tín Phật giáo, thông qua đó, góp phần xây dựng, đưa làng Cao Xá ngày một phát triển đi lên.
Kính thưa các vị đại biểu.
Thưa toàn thể đạo tràng.
Theo văn bia và truyền thuyết: Chùa Phúc Lâm xưa kia có diện tích gần mười mẫu. Ngôi Tam Bảo được xếp vào loại trung danh lam. Bao gồm năm gian tiền đường, năm gian hậu cung, diện tích Tam bảo gần 300 mét vuông; có đầy đủ hệ thống tượng thờ tự theo Phật Bắc truyền như: Tượng Tam Thế, Tòa tượng Di Đà, Quan Âm Thế Chí; Tòa tượng Thích Ca, Văn Thù Phổ Hiền; Tòa tượng Di Lạc; Tòa tượng Cửu Long, tượng Địa Tạng Vương, Tượng Mục Liên Tôn Giả, thập điện Minh Vương. Tuy nhiên, từ khi làng Cao Xá chuyển về địa điểm hiện nay, lại xây dựng thêm chùa Thích Ca, ngôi chùa Thiện vì thế cứ dần đi vào quên lãng. Các hạng mục công trình xuống cấp, không được tu sửa. Cho đến khoảng những năm 40 của thế kỷ trước, dân làng xây sửa lại 2 gian hậu cung. Thời gian sau, tiếp tục xây dựng 3 gian tiền đường.
Kính thưa các vị đại biểu
Thưa toàn thể đạo tràng
Cho đến hôm nay, chùa Phúc Lâm đã trải qua nhiều biến cố thắng trầm khác nhau cùng lịch sử làng Cao Xá, nhưng ngôi chùa vẫn còn tồn tại uy linh. Ở nơi ấy, hàng ngày người dân vẫn được Phật trời gia hộ. Đáng quý hơn, ngôi chùa vượt qua cả ngưỡng cửa tín ngưỡng tâm linh, đã và đang trở thành một trường dạy đạo đức cho dân làng. Mọi người đến với ngôi Tam Bảo, không chỉ còn đơn giàn là cầu nguyện những điều may mắn nhất, mà hơn hết là đã biết tự nhủ mình phải biết làm lành lánh ác, biết tu nhân tích đức làm đẹp cho mình và cho quê hương.
Kính bạch chư tôn đức
Kính thưa các vị đại biểu
Thưa toàn thể đạo tràng
Trên đây là sơ lược lịch sử chùa Phúc Lâm. Cuối cùng một lần nữa, thay mặt Ban tổ chức tôi xin kính chúc toàn thể đạo tràng lời chúc an lành, hạnh phúc. Chúc buổi lễ thành công tốt đẹp.
Nam Mô A Di Đà Phật.