Nhẹ nhàng
Nhẹ nhàng trong ý tưởng, lời nói và hành động đem lại hiệu quả tuyệt vời trong mọi cuộc giao tiếp. Thêm vào đó, cách ứng xử nhẹ nhàng giúp chúng ta tránh được nhiều xung đột không đáng có. Thô lỗ dễ gây tổn thương đến người khác, nhất là người đang mang nặng nỗi niềm, tâm hồn lại càng dễ bị tổn thương hơn.
Nếu chúng ta muốn giúp người đang khổ đau, ta cần phải nhẹ nhàng để đừng tạo cho người cảm giác tự ti, mặc cảm và cảm thấy bị xúc phạm. Nhẹ nhàng là điều mà ngay cả đứa trẻ thơ cũng thích, huống nữa người lớn ! Trẻ em dễ dàng đi vào giấc ngủ với sự vỗ về nhẹ nhàng tràn ngập yêu thương của người mẹ. Người đang đau khổ sẽ cảm thấy nhẹ lòng trước cử chỉ, lời nói nhẹ nhàng của người đối diện. Do vậy, muốn thể hiện tâm từ một cách hiệu quả, nhẹ nhàng khi tiếp xúc với đối tượng là điều cần thiết.
Trên cơ sở đó, để không làm tổn thương tâm từ của mình, đồng thời không bỏ lỡ cơ hội giúp người, chúng ta cần phải bỏ đi tánh kiêu căng, cao ngạo và sân hận vốn là kẻ thù của nhẹ nhàng. Tánh kiêu căng ở con người như một vết thương hở miệng, sẽ nhói đau khi có ai chạm đến cái ngã của mình. Người có tánh này thì khó lòng tiếp cận người khác, nhất là với những người đang chịu đựng khổ đau. Người đau khổ rất có thể hành xử vụng về vì sự bất an đè nặng lên họ.
Cần lắm một tình thương yêu chân thành và rộng mở thông qua cử chỉ nhẹ nhàng, ánh mắt nhẹ nhàng và tất cả những gì từ con tim nhẹ nhàng.
Có khi tâm lý co rút làm nỗi khổ nén lại thành một khối khiến họ cộc cằn, không dễ thương. Ta phải thật nhẹ nhàng với tâm cảm thông sâu sắc, đưa lòng kiêu hãnh về vạch zero mới có thể tiếp cận và giúp họ được. Tương tự như vậy, một người với tâm sân giận như đang mang một ung nhọt trong lòng không thể có tình thương yêu rộng lớn để hiến tặng người khác. Để có thể tiếp xúc được với những người đang gặp rắc rối, cần lắm một tình thương yêu chân thành và rộng mở thông qua cử chỉ nhẹ nhàng, ánh mắt nhẹ nhàng và tất cả những gì từ con tim nhẹ nhàng.
Không tự cao
Người có tánh tự cao không thể trải lòng thương yêu đến người khác, chắc chắn là như vậy. Tại sao ? Vì ở người tự cao, chỉ có bản thân họ là quan trọng, họ là trên hết, với cái nhìn “mục hạ vô nhân” thì chỉ có tự thương mình và sống đời vị kỷ. Người tự cao chỉ biết nghĩ về mình và nghĩ cho mình, không bao giờ hiểu được những khó khăn, đau khổ của người khác đang chịu đựng. Họ cũng không thể hiểu và không cần hiểu người khác đang có nhu cầu gì ? Có những điểm sáng nào ? Tất cả những vấn đề này là cơ sở để thực hành tâm từ thì lại thiếu nơi người có tánh tự cao.
Để có thể thực hành tâm từ, chúng ta cần tôn trọng người khác, xem người ta cũng quan trọng như mình, và những khổ đau người khác đang gánh chịu cũng chính là khổ đau của chính mình thì mới có thể chia sẻ, mới có thể yêu thương hết lòng được. Do vậy, tự cao và thương yêu rộng lớn là hai thái cực, không thể nào gặp nhau.
Biết hài lòng
Người biết hài lòng là người dễ dàng chấp nhận cuộc sống này, bằng lòng với những gì mình đang có. Người biết hài lòng luôn bình an, tự tại trong cuộc sống, không lệ thuộc vào các yếu tố bên ngoài vốn không nằm trong tầm kiểm soát và chi phối của mình. Những người không hài lòng với cuộc sống hiện tại là người muốn mình trở thành “ai đó” khác chứ không phải là mình, là người muốn nhiều thứ hơn những gì họ đang có.
Để có thể thực hành tâm từ, chúng ta cần tôn trọng người khác, xem người ta cũng quan trọng như mình, và những khổ đau người khác đang gánh chịu cũng chính là khổ đau của chính mình thì mới có thể chia sẻ, mới có thể yêu thương hết lòng được.
Vì muốn quá nhiều, mặc dù cái họ thật sự cần chẳng bao nhiêu, nên họ luôn bất an vì bị tâm tham chi phối. Ham muốn không được, họ trở nên bực bội, cáu gắt do tâm sân chi phối. Người mà nhiều tham, nhiều sân thì không thể thương yêu được ai, không có khả năng cho ai món gì, dù đó là vật chất hay tinh thần, đừng nói đến tình thương là cái không hề dễ cho !
Người biết hài lòng với những gì mình đang có là người biết đủ, ít muốn. Đây là hạnh của người xuất gia mà Đức Phật thường khen ngợi. Trước khi giã từ cõi đời này, Đức Phật ân cần căn dặn các đệ tử Ngài hãy thực hành hạnh ít muốn, biết đủ này. Người biết đủ dù nằm trên đất cũng cảm thấy đủ, người không hài lòng thì dù ở thiên đường vẫn chưa lấy làm thỏa mãn.
Người hài lòng với cuộc sống chỉ muốn cho chứ không muốn nhận thêm gì, cảm thấy dư thừa thời gian, vật chất và tình thương yêu, sẵn sàng chia sẻ với người khác mà không hề luyến tiếp. Người không hài lòng với hiện tại luôn tự đày đọa thân tâm chạy theo ham muốn, tìm cầu và đau khổ. Người đau khổ không thể có hạnh phúc của bình an. Người như thế không tự biết thương mình thì làm gì có tình thương yêu để cho người khác ?! Do đó, biết hài lòng là một điều kiện để trải rộng tình yêu thương cao thượng vậy. (còn tiếp)